CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC BIÊN GIỚI TÂY NAM, CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG QUA 42 NĂM NHÌN LẠI (07/01/1979 - 07/01/2021)
Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5 năm 1975 Khmer Đỏ đánh chiếm một phần đảo Phú Quốc, ngày 8 tháng 5 năm 1975 Khmer Đỏ liên tiếp đưa quân xâm nhập vào Hà Tiên, An Giang, Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum và ngày 10 tháng 5 năm 1979 chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu bắt giết hơn 500 người dân. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977 quân Khmer Đỏ mở cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Tây Nam. Riêng tỉnh An Giang, chúng tấn công 13/15 xã và 13 đồn biên phòng. Trong gần 2 năm 1977-1978, chúng tàn sát nhân dân các xã vùng biên giới Tây Nam, giết 30.000 người, 40.000 người dân bị mất nhà cửa, hàng trăm cơ sở thờ tự các tôn giáo bị đốt phá, cướp hơn 1.000 trâu bò, có 3.000 ngôi nhà bị bỏ hoang. Quân Khmer Đỏ được hơn 1 vạn cố vấn nước ngoài xây dựng, huấn luyện, đốc chiến. Từ tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã xác định được đối thủ do nước ngoài thực hiện chiến tranh làm Việt Nam phải “đổ máu” qua tay Pol Pot và cử tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng vào chỉ huy chiến trường đặc biệt này. Việt Nam luôn nỗ lực giải quyết các mâu thuẩn và xung đột ở biên giới Tây Nam bằng biện pháp hòa bình. Trong suốt 10 năm giai đoạn 1966 - 1977, Trung ương Đảng ta vẫn nhận định: “Đảng Campuchia là Đảng cách mạng, Chính phủ do Đảng lãnh đạo, nhân dân Campuchia vẫn là anh em. Những hành vi diễn ra trong thời gian qua là do sai lầm của một số địa phương, một số cán bộ khu vực, không phải là chủ trương của Đảng và Nhà nước Campuchia”. Vì vậy Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo: “ Chỉ tự vệ khi họ nổ súng xâm chiếm lãnh thổ”, nên các lực lượng vũ trang của ta ở tuyến biên giới thường xuyên bị động.
Ngày 23 tháng 10 năm 1977, quân Khmer Đỏ lại tiếp tục tấn công trên tuyến biên giới của ta. Để tự vệ, ta dùng một số đơn vị lực lượng của Quân đoàn 4 và Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3 đánh sang đường số 1 khu vực Sa Mat, giải phóng được 310 người dân Campuchia và họ xin bộ đội được sang Việt Nam tỵ nạn để tránh bị Pol Pot sát hại. Đầu tháng 12 năm 1977, biết ý đồ của quân Khmer Đỏ tấn công đánh chiếm thị xã Tây Ninh, tướng Lê Trọng Tấn quyết định cho quân ta đột kích sang phía địch đánh thẳng vào Bộ tư lệnh Quân khu 203 Prey Veng để lấy tài liệu. Vì Đảng Campuchia trước đây là liên minh chiến đấu nên sau khi bạn giải phóng Phnom Penh (17/4/1975) ta rút hết tình báo, trinh sát về nước, cho nên ở thời điểm đó ta hoàn toàn không nắm được tình hình, ý đồ của Pol Pot. Số tài liệu mà ta lấy được có nhiều nghị quyết của Trung ương Đảng Khmer Đỏ, các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu gửi cho Quân khu 203, nhiều tài liệu nước ngoài chỉ đạo và việc chu cấp trang bị vũ khí rất lớn, tài liệu chiến tranh tâm lý kích động thù hằn giữa hai dân tộc, tài liệu huấn luyện quân sự, kế hoạch đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ. Qua nghiên cứu khối lượng tài liệu thu được, dễ dàng nhận thấy rằng chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam - Campuchia chỉ là một hướng chiến lược nhằm thôn tính Việt Nam. Các tài liệu đã góp phần làm căn cứ để Hội nghị Trung ương 4 (khóa IV) khẳng định bản chất thâm độc của nước ngoài thông qua con bài Pol Pot nhằm thôn tính 3 nước Đông Dương.
Tập đoàn Pol Pot đã đưa cuộc chiến tranh tổng lực lên mức cao độ nhất vào năm 1978. Trung ương Đảng Cộng sản của Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam, quyết định thành lập 15 sư đoàn với nghị quyết ghi: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài nghìn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15 năm đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”. Pol Pot đã điều động 13 trong 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi sâu tới 15-20 km. Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát man rợ đối với dân thường Việt Nam, điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc (Tri Tôn-An Giang) vào tháng 4/1978 với 3157 người dân bị sát hại. Đỉnh điểm sự leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam của Khmer Đỏ diễn ra vào giữa tháng 12 năm 1978. Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được trang bị vũ khí và thiết bị hiện đại của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 10 vạn quân) tiến hành cuộc tiến công xâm lược với quy mô rất lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam (từ Tây Ninh đến Hà Tiên). Nhưng lực lượng quân chính quy phối hợp với lực lương vũ trang địa phương của ta đã kiên quyết trừng trị thích đáng quân Khmer Đỏ xâm lược, chặn đứng các cuộc tiến công của chúng.
Nêu cao quyết tâm chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược Khmer Đỏ về bên kia biên giới, nhưng Việt Nam vẫn cố gắng duy trì tình đoàn kết giữa hai nước. Trong Chỉ thị gửi lực lượng vũ trang các tỉnh phía Nam (22/3/1977), Quân ủy Trung ương sau khi xác định nhiệm vụ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, không dung thứ bất cứ sự xâm phạm nào của các lực lượng khiêu khích và bọn phản động Campuchia, vẫn luôn nhắc nhở bộ đội phải “tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của Campuchia; tuyên truyền vận động nhân dân bạn và tranh thủ sự đồng tình của dư luận; tạo điều kiện ổn định một bước biên giới giữa hai nước, góp phần từng bước đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia”. Sau một thời gian dài buộc phải đánh trả quân Khmer Đỏ xâm lấn ở biên giới với mức độ kiềm chế, đồng thời ta chủ động đề nghị phía Khmer Đỏ tiến hành thương lượng hòa bình, nhưng đều không có kết quả. Phía Khmer Đỏ không những không đáp ứng thiện chí giải quyết xung đột bằng thương lượng đàm phán, mà còn đẩy mạnh hành động chiến tranh chống Việt Nam; đồng thời tăng cường đàn áp, giết hại nhân dân ta và những người chống đối ở Campuchia.
Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình địch ta, Hội nghị xác định Pol Pot - Iêng Xary là tay sai của các thế lực phản động quốc tế, là đối tượng tác chiến trực tiếp của cách mạng và nhân dân hai nước. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu của lực lượng vũ trang lúc này là: “Tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống tập đoàn phản động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của Campuchia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền, bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia”. Ngày 27 tháng 7 năm 1978 Hội nghị TW 4 (khóa IV) ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia. Nghị quyết xác định: “ Tập đoàn Pol Pot là kẻ thù của nhân dân ta, chúng gây chiến chống Việt Nam, đánh phá biên giới Tây Nam nước ta, chúng câu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực phản động khác làm suy yếu nước ta…và nhân dân Campuchia sẽ lâm vào cuộc diệt chủng ngày càng khủng khiếp. Trong tình hình đó, không có cách nào khác là phải dùng một lực lượng quân đội ta mạnh, có đủ quân binh chủng hợp thành tiến hành một cuộc tổng phản công bất ngờ, thần tốc mãnh liệt giành thắng lợi ở hướng biên giới Tây Nam”.
Ngày 02 tháng 12 năm 1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia được thành lập, đã đề nghị Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu mấy vạn người tỵ nạn, mà phải cứu cả một dân tộc”. Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng ta có 4 hội nghị quan trọng về biên giới Tây Nam và đã ra quyết sách: “Giải quyết cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam càng nhanh càng tốt, để kéo dài thì ta thương vong càng lớn, Việt Nam không thể ổn định để xây dựng và nhân dân Campuchia sẽ lâm vào cuộc diệt chủng ngày càng khủng khiếp”.
Ngày 7 tháng 1 năm 1979, lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia giải phóng Thủ đô Phnom Pênh. Ngày 8 tháng 1 năm 1979 Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tuyên bố thành lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng và ngày 10 tháng 01 năm 1979, Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời.
Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1979) đã chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam sẵn sàng đánh bại quân Khmer Đỏ xâm lược và không ngại hy sinh mất mát để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Từ trong cuộc chiến tranh vệ quốc đó đã thể hiện quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong gần 4 năm tiến công đánh bại quân Khmer Đỏ xâm lược và 10 năm sau (1979-1989) đó thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp dân tộc Campuchia hồi sinh là minh chứng sống động hùng hồn nhất không thể phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc mà quân dân Việt Nam tiến hành ở biên giới Tây Nam Tổ quốc. Chính những nhà lãnh đạo quốc gia Campuchia khẳng định sự thật hiển nhiên đó, Thủ tướng Hun Xen nói: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chấp tay cầu khẩn tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là quân đội nhà Phật”. Đánh giá cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 30 tháng 8 năm 1978 kết luận: “ Thắng lợi ở Campuchia là một thắng lợi không những trong phạm vi một nước chống xâm lược mà còn ý nghĩa là ta đã xóa một địa bàn phản cách mạng, một đầu cầu của chủ nghĩa bành trướng ở Đông Nam Á. Từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tiến lên phối hợp với cách mạng Campuchia tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng lật đổ một chế độ diệt chủng.Thắng lợi này đã đưa đến việc hoàn toàn giải phóng đất nước Campuchia làm lại cuộc cách mạng của mình”. TS.Chhay Yiheng, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia khẳng định rằng:“ Chế độ diệt chủng của Pol Pot không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”.
Quá khứ lùi xa và khói lửa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã qua hơn 40 năm, nhưng âm vang của nó vẫn còn vọng lại với nhiều ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam, Campuchia và thế giới. Đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa, cuộc đấu tranh tự vệ chính đáng của quân và dân Việt Nam. Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân xứ sở Chùa Tháp trước bờ vực diệt vong. Đồng thời, Việt Nam đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới. Chiến tranh đã qua, nổi đau và những tổn thất mất mát từ cuộc chiến ấy sẽ mãi mãi gợi nhớ cho chính phủ và nhân dân hai nước luôn luôn trân trọng và gìn giữ nền hòa bình, độc lập, tự do và tình hữu nghị vô cùng quý báu mà cả hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đã gắn sức xây dựng và vun đắp mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
Tin khác
- Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng
- Tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024) và đón Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
- Kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA 15
- ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (01/01/1914 - 01/01/2024)