Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên !
Ảnh Internet
Tinh thần trách nhiệm là một giá trị văn hóa, được gọi là văn hóa trách nhiệm hay văn hóa bổn phận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 7, tr.248).
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trách nhiệm đó được thể hiện trong mọi hoạt động của Người: trong học tập, lao động, nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển...
Với thân phận của một người dân sống trong một đất nước mất độc lập, dân nô lệ, lầm than, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người, để rồi trong suốt 30 năm, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tìm đến các nước tư bản phát triển, các nước thuộc địa, sẵn sàng làm nhiều nghề để vừa nuôi sống bản thân, vừa hoạt động cách mạng. Người đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cháy bỏng tìm con đường cứu nước bằng cách khám phá thế giới, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào. Không lo cho bản thân mình, Người sẵn sàng tranh luận, trao đổi các vấn đề lớn liên quan tới vận mệnh của Nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa. Bản lĩnh và trách nhiệm của một chiến sĩ cách mạng dần hé lộ trong tư duy và hành động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người đứng ở vị trí cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực thi công vụ với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu không phải bằng việc sử dụng hay lạm dụng quyền lực mà thuyết phục bằng cảm hóa, bằng phong cách nói đi đôi với làm. Ý thức trách nhiệm của Người thể hiện từ những việc lớn như hoạch định đường lối, chính sách đến những việc nhỏ như lo tương cà, mắm muối cho dân. Người sống đời sống của dân, cùng nhịp đập với trái tim của dân, lo toan, trăn trở khi dân ốm, dân đói, dân rét, dân bị bóc lột, bị mù chữ, nghèo nàn… Theo Bác, cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức phải đi đúng đường lối quần chúng. Đi đúng đường lối quần chúng là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 7, tr.249).
Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người, là khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức nghề nghiệp. Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thực hiện công việc người cán bộ phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác, “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo và đặc biệt phải có khát vọng vươn lên để có kết quả cao nhất.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng đều nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân… Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên nhằm thực hiện khát vọng xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển, đảng viên cần tiếp tục nghiện cứu Tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về tinh thần trách nhiệm, xác định đúng đắn tinh thần trách nhiệm cụ thể như sau:
Về trách nhiệm đối với Đảng, tất cả đảng viên phải kiên định với mục tiêu, con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn; luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt 4 nhiệm vụ của người đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn giữ vững tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên.
Về trách nhiệm đối với Tổ quốc, mọi đảng viên phải luôn nêu cao ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; luôn chủ động tham gia đấu tranh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước; tích cực tham gia ủng hộ các quỹ xây dựng địa phương và xây dựng đất nước.
Về trách nhiệm đối với nhân dân (trực tiếp là với cộng đồng dân cư nơi cư trú), đảng viên phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đặc biệt, các đảng viên phải gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng do địa phương phát động.
Về trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, đảng viên phải chăm lo giáo dục cho các thế hệ của gia đình, dòng họ về lòng yêu nước, về niềm tin đối với Đảng, về ý chí vươn lên trong học tập và công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tất cả đảng viên phải quan tâm giáo dục cho con cháu về đạo đức, lối sống lành mạnh, nhất là tinh thần cần kiệm, lòng nhân ái, tình đoàn kết cộng đồng; biết kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ và của cả dân tộc
Về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, từng đảng viên cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo trước công việc được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc cần có chương trình, kế hoạch, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc, cấp trên hoặc lãnh đạo phải nhắc nhở hoặc Nhân dân phải phàn nàn, chê trách, góp ý phê bình về ý thức và tinh thần trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng quy trình, thủ tục, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất.
Tin khác
- Bí thư Chi bộ ấp Tân Chánh A xã Nhơn Ninh gương mẫu trong học tập và làm theo Bác
- Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thể dục thể thao của học sinh trường THCS Tân Thành
- Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên !
- Chi Bộ Công An Xã Tân Hòa Sáng Tạo Trong Học Tập Và Làm Theo Bác
- Học tập và làm theo Bác qua mô hình Tổ thiện nguyện ấp Kênh Giữa xã Nhơn Ninh
- Bí Thư Chi Bộ Kiêm Trưởng Ấp Thực Hiện Việc Học Tập Và Làm Theo Bác
- Gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường.
- Cô Cao Thị Khánh Linh tấm gương tiêu biểu gia đình hiếu học
- Chị Mai Thị Nga, ấp Nguyễn Rớt, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh tiêu biểu trong công tác an sinh xã hội
- Chị Huỳnh Thị Hiền tổ trưởng phụ nữ ấp Năm Ngàn, xã Tân Ninh (gương điển hình tiên tiến)