Nghiên cứu những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước hiện nay.

09/05/2025 03:05:52PM
Màu chữ Cỡ chữ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960 - Ảnh tư liệu

Vấn đề cán bộ đã hình thành rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với quan điểm "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy", "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", "Bất cứ công việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được"..., ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố bộ máy Nhà nước để có đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao quý mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết và tác phẩm về vấn đề cán bộ, thể hiện một cách sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trên nhiều vấn đề, từ việc phát hiện, lựa chọn cán bộ đến đánh giá, cất nhắc, sử dụng cán bộ; từ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến việc kiểm soát, phê bình, khen thưởng cán bộ... Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trọng dụng nhân tài, như lời khắc ghi của cha ông ta vào bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Cách lựa chọn cán bộ theo Hồ Chí Minh phải trên cơ sở những tiêu chí về chất lượng, chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức và năng lực của người được lựa chọn. Những tiêu chuẩn phẩm chất của người cán bộ cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức cụ thể, đó là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Người, phong cách của người cán bộ được thể hiện ở các yêu cầu như tác phong quần chúng, dân chủ, thẳng thắn, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát, thận trọng, nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên nghiêm túc phê bình và tự phê bình… và đặc biệt là phong cách nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Vì thế, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi cán bộ đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt. Trong công tác cán bộ, Người rất coi trọng việc huấn luyện cán bộ, coi đó là "công việc gốc", là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ và chất lượng của cán bộ. Và để sử dụng cán bộ sao cho hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phương châm là "Hiểu biết cán bộ. Khéo dùng cán bộ. Cất nhắc cán bộ. Thương yêu cán bộ. Phê bình cán bộ" (HCM toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.317). Với cách nhìn nhân văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Cán bộ cũng là con người, không phải thánh, có tốt, có xấu, nên vấn đề là khéo nâng cao chỗ tốt, sửa chữa chỗ xấu cho họ, "người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.88).

Chú trọng về con người, chú trọng về cán bộ cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới căn dặn phải phân biệt rõ khi rèn đạo đức cho cá nhân mình thì phải chấp nhận đau đớn như giã gạo (ở bài thơ Nghe tiếng giã gạo trong tập Nhật ký trong tù Bác đã viết: "Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công") nhưng khi dùng người, sử dụng cán bộ thì chớ có dùng theo lối giã gạo: Nghĩa là trước khi cất nhắc, sử dụng cán bộ không xem xét kỹ: "Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống. Chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. "Nếu cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời".

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý, trong dùng cán bộ cần phải tránh: "1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.318). Tuyệt đối không được sử dụng loại cán bộ "gió chiều nào che chiều đó", không có khí khái, không có chính kiến, bản lĩnh, xu nịnh, a dua, không dám chịu trách nhiệm, không dám phụ trách.

Đội ngũ cán bộ chính là công cụ đắc lực, chủ thể trực tiếp thực thi các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với xã hội, là mối dây liên hệ giữa Nhà nước với công dân, là cầu nối chuyền tải giữa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với xã hội và ngược lại, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Để bảo đảm sự vận hành đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát đối với cán bộ. Người đòi hỏi kiểm tra cán bộ phải trở thành nề nếp và thực hiện một cách có hệ thống, qua đó chống được các bệnh quan liêu, bàn giấy, biết được các nghị quyết có được thực thi không, có đúng không và đúng tới mức nào.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Để quá trình này thành công, cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Trong Báo Cứu quốc, số 135, ngày 7/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung". Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm".

Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu. Bởi đây là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, sẽ động chạm đến lợi ích của mỗi người và rất nhiều người. Người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị trước tiên phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tiễn tổ chức mình, rà soát những tồn tại, chấp nhận thay đổi, sẵn sàng điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy, giảm số lượng cán bộ hoặc tự điều chỉnh cơ chế làm việc để phù hợp với tinh thần cải cách.

Cùng với việc đẩy mạnh sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần hết sức lưu tâm tới việc giữ người tài, người có khả năng, trình độ, năng lực và có khát vọng cống hiến. Hay nói cách khác, phải làm sao hạn chế tình trạng "giảm" nhưng không "tinh" trong tinh giản biên chế, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương này. Khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu phải có cách nhìn công tâm, khách quan để đánh giá những người làm được việc và người không làm được việc và phải chịu trách nhiệm về đánh giá của mình. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc; thực hiện chính sách đối với những người không tiếp tục ở lại làm việc sau khi tinh giản biên chế, đồng thời bố trí được những người xứng đáng vào các vị trí của bộ máy mới.

Tấm gương hành động của người đứng đầu sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng tới cả bộ máy. Mỗi cán bộ ở từng vị trí công việc phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cá nhân mình, góp phần cho tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chắc chắn rằng, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, số lượng công chức, viên chức sẽ giảm đáng kể. Những người tiếp tục công tác có thể phải gánh vác khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba trước đó. Áp lực công việc lớn hơn nên cần phải nỗ lực hơn trước, "tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người". Sẽ không còn tình trạng làm việc "cầm chừng", đối phó để vừa đủ "lên lương". Sẽ phải có tinh thần cầu tiến và sự tận tâm, mạnh dạn cải tiến phương pháp làm việc, tận dụng lợi thế công nghệ để tăng hiệu quả công việc.

 Tất cả những thay đổi nhỏ này của mỗi cá nhân, khi cộng hưởng, sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho tập thể, cho toàn hệ thống. Bởi mỗi vị trí không còn cần thiết, được tinh giản sẽ giải phóng nguồn lực cho các lĩnh vực trọng yếu của đơn vị, tổ chức, và rộng ra là của đất nước. Hơn thế, sự hy sinh vì tập thể cũng góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân về một hệ thống chính trị thực sự vì lợi ích chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: "Cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân".

Trương Nhàn (BTG và DV)
start portlet menu bar

Hình ảnh hoạt động;hinhanhhoatdong

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Liên kết website;lienketwebsite

Display portlet menu
end portlet menu bar
Liên kết website