"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên.
Tư tưởng này của Bác nhằm đề phòng ham muốn về vật chất, thói hiếu danh, kiêu ngạo, tham ô, xa hoa, lãng phí. Người mong muốn mọi người giữ mình trong sạch. Bác Hồ cho rằng, cán bộ nói chung, cán bộ quản lý, lãnh đạo nói riêng không phải là “quan cách mạng”, đứng trên quần chúng mà là đầy tớ của nhân dân, công bộc của dân, cho nên phải rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm chính” để xây dựng đất nước, lo cho dân. Ngày nay chúng ta tiếp tục kế thừa tư tưởng, đạo đức đó của Hồ Chí Minh để chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta là cấp bách.
“Cần”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cần cù lao động, có tinh thần khuyến khích và giúp đỡ người khác làm tốt công việc; là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu bức thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cán bộ quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, “cần” trong giai đoạn phát triển và hội nhập ở nước ta là đức tính không thể không có đối với người cán bộ quản lý.
“Kiệm”, có nghĩa là người lãnh đạo phải biết tiết kiệm thời gian, tiền của của mình và của nhân dân, tiết kiệm trong đời sống, trong sinh hoạt; kiên quyết chống lãng phí, xa hoa của cải cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng nên suy nghĩ đúng đắn về “kiệm”, không nên hiểu “kiệm” chỉ có nghĩa hẹp, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “thắt lưng, buộc bụng”, nắm cơm với quả cà để xây dựng chủ nghĩa xã hội; hay cán bộ không được mua sắm và sử dụng những phương tiện hiện đại phục vụ cho công việc trong khi đã có điều kiện. Như Bác Hồ từng nói “khi có việc đáng làm, vì lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng... việc đáng tiêu dùng mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột chứ không phải là “kiệm”. Cái mà chúng ta giáo dục, đấu tranh với cán bộ là lối sống gấp, lãng phí, chạy theo thị hiếu không lành mạnh dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.
Để được kính trọng, người cán bộ lãnh đạo phải “liêm”. “Liêm” là không tham ô, tôn trọng tài sản của công và của nhân dân. Trước hết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương về “liêm”, cán bộ lãnh đạo, quản lý không nghiêm, phạm vào các thói hư như tham ô, tư lợi bất chính, lãng phí... thì không mang lại niềm tin cho quần chúng, làm suy yếu nội bộ Đảng và xã hội. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng đã trở thành tội phạm chỉ vì bất “liêm”.
“Chính” là việc phải dù nhỏ cũng phải làm, việc trái dù nhỏ cũng phải tránh. “Chính” đòi hỏi người cán bộ phải có tính thẳng thắn, trung thực, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, làm việc bất chính. “Chính” cũng có nghĩa gần với chân lý, là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích, Tổ quốc, của nhân dân không phải là “chính”, không phải là chân lý. Người ra sức phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tức là phục tùng chính nghĩa và chân lý. “Chính” là một trong những phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai đoạn mà Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, người cán bộ cách mạng nhất thiết phải có những phẩm chất đó.
“Chí công vô tư” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hiểu với nghĩa quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người bao giờ cũng gắn liền với xã hội, không cô lập, tách rời với lợi ích xã hội. Hoạt động của cá nhân phải trên cơ sở nền tảng của xã hội, vì xã hội, trong đó có quyền lợi trực tiếp của bản thân mình. Mọi người phải đặt lợi ích chung của tập thể, của Quốc gia, dân tộc trên lợi ích cá nhân. Cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng không vì quyền lợi (nhất là quyền lợi không chính đáng) của riêng mình mà phạm đến lợi ích tập thể, lợi ích Quốc gia. Bác Hồ đã dạy về “chí công vô tư” là “đem lòng chí công vô tư” mà đối với người, đối với việc: Ham làm những việc ích nước lợi dân, không ham địa vị, công danh phú quý”. Chí công vô tư với ý nghĩa như vậy, vẫn phải là nội dung giáo dục và xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta.
“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức căn bản phải có của người cách mạng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hơn 95 năm qua, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Tuy nhiên, từ bài học hàng loạt cán bộ bị kỷ luật thời gian qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Chính bởi vậy, ngày 16/01/2025, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðể tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Ðảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong Chỉ thị số 42- CT/TW đã nêu rõ: "Đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để "không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; Xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để "không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; Nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để "không cần tham nhũng, tiêu cực".
Tin khác
- Cần nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội hiện nay để mọi người có cách ứng xử đúng trên không gian mạng!
- Cán bộ, công chức, viên chức cần thông suốt tư tưởng sắp xếp tinh gọn bộ máy!
- "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên.
- Cán bộ ơi – hãy vì lợi ích chung!
- Cán Bộ, Đảng Viên Cần Quan Tâm Hướng Tới Kỷ Nguyên Mới, Kỷ Nguyên Vươn Mình Của Dân Tộc.
- Cùng thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên trên không gian mạng!
- Khen đúng việc, thưởng đúng người !
- Cùng tìm hiểu, nghiên cứu 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống tiêu cực !
- Mọi người cần nên cảnh giác việc đăng tin, bài tìm người thân cho các bé, tránh để rơi vào “cái bẫy”!
- Tổ chức Theo dõi nhân quyền xuyên tạc trắng trợn về công việc nội bộ của Việt Nam